Tiền điện tử là gì ? Cơ chế vận hành ra sao ?
Tiền điện tử hay còn gọi là tiền kỹ thuật số theo Wikipedia :” Tiền kỹ thuật số là một loại phương tiện trao đổi trên nền tảng mạng internet, loại tiền này có giá trị không khác gì những loại tiền tệ vật chất (tiền giấy, tiền kim loại), điểm khác biệt là ta có thể giao dịch ngay lập tức và khả năng chuyển giao nó không có một giới hạn nào cả”
Chúng ta có thể hình dung đơn giản tiền kỹ thuật số là loại tiền được tạo cũng như lưu trữ điện tử mà ta có thể sử dụng nó trên mạng internet.
Không cần thiết phải in trên giấy như tiền giấy với một đống loại mực đặc biệt cùng những thiết kế lạ mắt, không cần phải có bản vị để đúc ra như tiền kim loại, không cần gắn vàng bạc lên nó và đặc biệt là không có sự can thiệp của những Ngân hàng trung ương.
Nó là công nghệ kỹ thuật số: bạn có, bạn sở hữu, bạn lưu trữ nó đồng thời bạn quản trị được nó trên tất cả phương tiện máy tính hay điện thoại, sử dụng ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào bạn muốn.
Câu hỏi đặt ra vậy tiền kỹ thuật số giải quyết được vấn đề gì cho nhân loại ?
Đầu tiên, nếu bạn muốn giao dịch xuyên lục địa giữa các quốc gia khác nhau sẽ không được xử lý nhanh chóng nếu bạn thông qua những đơn vị trung gian, thường sẽ mất từ 3-5 ngày giao dịch mới hoàn thành. Chưa kể chi phí chuyển đổi tiền tệ, phí giao dịch cũng rất cao để trả cho những đơn vị trung gian này. Cơ sở cho hoạt động tiền tệ này lại chỉ gói gọn trong 2 chữ “NIỀM TIN”
Ví dụ:
Bạn cần TIN vào việc ngân hàng/đơn vị trung gian mà bạn chọn sẽ không lấy tiền của bạn vào việc khen thưởng cho nhân viên của họ thay vì gửi đúng số tiền của bạn cho Người cần nhận tiền. Ngược lại Người cần nhận tiền cũng cần TIN ngân hàng/đơn vị trung gian mà họ chọn sẽ không quên ghi chú lại số tiền vào tài khoản khi nó đến từ Bạn.
Cả 2 bên đều phải có NIỀM TIN vào hệ thống giao dịch mà mình kết nối để thực hiện giao dịch bù trừ thích hợp, phải đảm bảo số tiền mà mình chuyển đi/ nhận lại không bị làm giả. Số tiền ấy bạn và người nhận phải thực sự sở hữu cũng như chuyển tới chính xác.
Vấn đề đặt ra là cả một hệ thống NIỀM TIN ấy hoạt động một cách cứng nhắc, chậm chạp mà bạn phải trả một khoản phí không hề rẻ cho điều đó.
Chính vì lý do đó tiền kỹ thuật số ra đời đi cùng internet giúp chúng ta phát triển ở nhiều khía cạnh khác nhau, tìm ra các phương thức giao dịch an toàn, hiệu quả hơn.
Trước đây tiền kỹ thuật số ra đời ở những thuở còn sơ khai khoảng giữa thập niên 90. Đã có một số thử nghiệm điển hình là đồng E-Gold dựa trên vàng, nhưng sau đã bị bãi bỏ vì các biện pháp kiểm soát từ chính phủ cùng những cuộc tấn công vào nó.
Khoảng thời gian gần đây, cũng đã có rất nhiều đột phá cho loại hình tiền kỹ thuật số này mà có thể bạn sẽ không xa lạ đâu như: mô hình cá cược trực tuyến, các phiếu quà tặng, mã giảm giá…cũng có thể hiểu là một dạng hình của tiền kỹ thuật số.
Bây giờ hãy cùng tôi đào sâu hơn về một phân loại của tiền kỹ thuật số còn được gọi là TIỀN MÃ HÓA
So với tiền kỹ thuật số thông thường thì tiền mã hóa có những đặc tính riêng biệt khiến nó trở nên vô cùng an toàn vì đã được mã hóa thành những đoạn mã mang đặc tính duy nhất (không thể nhân bản)
Bitcoin chính là ví dụ rõ ràng nhất cho loại tiền mã hóa. Được công bố tháng 10/2008 bởi Satoshi Nakamoto.
Bạn cần lưu ý Satoshi Nakamoto chỉ là một bí danh. Cho đến nay vẫn không ai biết người này là ai, giới tính gì, sinh sống ở đâu bất chấp mọi nỗ lực xác định danh tính trên toàn thế giới của cha đẻ Bitcoin.
Bitcoin được xây dựng trên hạ tầng các đoạn mã máy tính dưới dạng mã nguồn mở (điều này có nghĩa ai cũng có thể sử dụng, điều chỉnh, thông qua mà không cần xem xét đến các vấn đề bản quyền, thủ tục pháp lý đi kèm)
Không lâu sau khi Bitcoin ra đời, Satoshi Nakamoto đột nhiên biến mất khỏi các diễn đàn, mạng xã hội, báo chí truyền thông từ tháng 4/2010. Điểm thú vị là ngay cả khi cha đẻ của Bitcoin đã đăng xuất khỏi Trái Đất thì nó vẫn tiếp tục phát triển, tăng trưởng không ngừng cho đến ngày nay !
Bitcoin đã từng chững lại một chút vào những năm 2013 nhưng rồi nó bùng nổ không giới hạn vì các công ty, startup đã dần nhận ra tiềm năng không giới hạn của nó mà đổ tiền vào những dự án nhằm phát triển sâu hơn. Khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu chấp nhận loại tiền điện tử này cho những giao dịch phi truyền thống, nhờ vậy mà giá trị lưu hành của Bitcoin ngày càng mạnh mẽ hơn theo năm tháng.