Blockchain hoạt động như thế nào ?
Để có thể hoạt động trơn tru, Blockchain cần 3 nhóm chính :
Người dùng (User)
Người dùng là người tham gia tạo ra giao dịch, những người này hoạt động trong mạng lưới tạo ra các giá trị lưu thông như mua bán hàng hóa, gửi nhận tiền…họ là bất kỳ ai kể cả bạn và tôi
Node
Ta hiểu nôm na Node là tất cả những máy tính có kết nối mạng có thể đọc và viết từ một mạng lưới Blockchain. Nói không ngoa khi nói đây chính là bộ xương sống của Blockchain, vì thế để đảm bảo sự đồng bộ mạng lưới Node luôn cần phải được kết nối Internet và quan trọng phải luôn có các bản sao đầy đủ của những giao dịch đã từng xảy ra.
Nói đến đây ta hãy dừng lại một chút để suy nghĩ, nếu những máy tính này có một bản sao của tất cả giao dịch và những giao dịch này được lưu trữ trong các khối vậy đồng nghĩa với việc mỗi Node đều có bản sao của toàn bộ Blockchain. Vì thế nên Node sẽ luôn được cập nhật thông tin mới nhất đồng bộ ngay trong thời gian thực.
Có một điểm bạn cần chú ý: Bạn không cần toàn bộ bản sao đầy đủ của Blockchain mới có thể trở thành người dùng trong mạng lưới, điểm này chỉ dành cho Node. Bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng trong điện thoại thông minh hoặc những trang web để chuyển giá trị sử dụng Blockchain mà không cần phải là một Node đầy đủ.
Thợ đào (Miner)
Chúng ta hãy cùng quay lại về khái niệm của Blockchain rằng các giao dịch/thông tin sẽ được lưu trữ trong chuỗi khối. Thế nhưng ai là người tạo ra những khối này ? Ai là người xác nhận cho những khối này vào hệ thống ?
Đây chính là lúc mà các thợ đào trên toàn thế giới tham gia vào cuộc chơi !
Một thợ đào ta có thể xem họ như là một Node, họ có thể cho phép thêm một hay nhiều khối vào chuỗi Blockchain. Thế nên chiếc máy tính của bạn cũng có thể trở thành một Node, nhiệm vụ của nó chỉ cần lưu trữ dữ liệu, đọc/ghi các giao dịch xuất phát từ Blockchain hoặc có thể sử dụng với nhiều mục đích khác.
Các thợ đào sẽ cạnh tranh với nhau nhằm giải quyết các vấn đề thuật toán mới nhất đến từ Blockchain. Cơ chế cạnh tranh này được gọi là “bằng chứng công việc” (Proof of work – POW), đây cũng là nơi mà toán học cấp cao xây dựng trong hệ thống. Các thợ mỏ đòi hỏi phải kết hợp thử nhiều công thức toán học khác nhau để giải quyết vấn đề POW và phải xác định lại chính xác từng câu trả lời cho mỗi lần giải.
Chính vì phải giải mã bộ thuật toán đồ sộ nên đòi hỏi phần cứng máy tính phải thực sự mạnh mẽ và cũng đủ thông minh để xử lý được các tính toán phức tạp này. Khi các thợ mỏ cạnh tranh với nhau trong mạng lưới Blockchain, người nào có thể khai thác đầu tiên, giải mã được thuật toán liên quan tại thời điểm đó sẽ có quyền thêm khối dữ liệu này vào Blockchain, tương tự như một nhà khoa học xuất bản công trình nghiên cứu của mình.